TÌNH HÌNH VÀ NHỮNG THÁCH THỨC VỀ NUÔI DƯỠNG TRẺ NHỎ HIỆN NAY

Thách thức nuôi dưỡng trẻ nhỏ

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Tỷ lệ SDD giảm nhanh trong những năm gần đây thể hiện những cố gắng nỗ lực của toàn xã hội, sự cam kết cao của Chính phủ trong vấn đề giải quyết tình hình SDD ở trẻ em Việt Nam.Tuy nhiên so với các nước trong khu vực tỷ lệ SDD ở nước ta vẫn còn ở mức cao, bên cạnh đó là những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh như thừa cân, béo phì do hậu quả của việc chăm sóc dinh dưỡng không hợp lý… vì vậy chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Cùng Phòng đào tạo quản lý y tế YCME tìm hiểu thách thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Nuôi dưỡng trẻ nhỏ

I. Suy dinh dưỡng thiếu protein-năng lượng còn cao và nguyên nhân quan trọng là do nuôi dưỡng không hợp lý

Ước tính trên 2/3 số tử vong trẻ nhỏ dưới 5 tuổi trên thế giới có liên quan đến yếu tố nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng không hợp lý là nguyên nhân trực tiếp của SDD và thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu Vitamin A, thiếu sắt, thiếu I-ốt, thiếu kẽm và các vi chất dinh dưỡng cần thiết khác.

Ở Việt Nam, tỷ lệ SDD của trẻ dưới 5 tuổi theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới vẫn còn cao và là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Năm 2005, tỷ lệ SDD trẻ em thể cân nặng/tuổi chung toàn quốc là 25,2%, SDD thể chiều cao/tuổi là 29,6%, SDD thể cân nặng/chiều cao là 6,9%2. Nhiều vùng nông thôn, tỷ lệ SDD thậm chí còn ở mức gần 40%.

Không có sự khác biệt về giới đối với SDD, tuy nhiên có sự khác biệt rất rõ rệt về tỷ lệ SDD thể nhẹ cân và còi cọc giữa các vùng sinh thái trong cả nước, chậm phát triển thể lực thường gặp ở lứa tuổi 6-24 tháng.

Bên cạnh đó thì những năm qua, tỷ lệ thừa cân/béo phì ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi có xu hướng gia tăng (năm 2000 là 1,2%; đến năm 2004 tỷ lệ này đã là 1,7%).

Đối với nước ta, ước tính khoảng 240.000 trẻ sinh ra hàng năm bị giảm trí lực do thiếu i-ốt, khoảng 2000 trẻ tử vong vì giảm khả năng chống đỡ nhiễm khuẩn do thiếu vitamin A, ngoài ra còn 10% trẻ em bị giảm miễn dịch và tăng trưởng kém do thiếu vitamin A4. Thực hành NCBSM không hợp lý (như cho bú gián đoạn, cai sữa sớm đột ngột) hoặc cho ăn bổ sung quá sớm với các loại thực phẩm nghèo protein và năng lượng là những nguyên nhân quan trọng gây SDD5.

Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là một thực hành phổ biến ở nước ta với khoảng 98% trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ. Tỷ lệ nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ cũng khác nhau theo vùng địa lý, dân tộc, trình độ văn hoá của bà mẹ, nơi đẻ nhưng không đáng kể. Nơi ít nhất cũng có 90% trẻ được bú mẹ. Mặc dù tỷ lệ trẻ được bú mẹ rất cao, nhưng vấn đề còn tồn tại là thời điểm cho bú sữa mẹ và thời gian cho bú sữa mẹ còn chưa hợp lý.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ cần được bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Số liệu điều tra về nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ năm 2004 cho thấy đã có một số tiến bộ trong việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, như: tỷ lệ cho bú sớm trong vòng 30 phút đầu sau sinh là 75,2%, tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú sữa non là 82%, nhưng chỉ có 12,4% trẻ là được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, có tới 38,7% bà mẹ nuôi con, cho con ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ ngay trong tuần đầu tiên sau sinh, 7% bà mẹ cai sữa sớm cho con trước 12 tháng tuổi, và có tới 21,9% trẻ em dưới 12 tháng tuổi được nuôi bẵng sữa chai (bú bình)

Có nhiều lý do để giải thích về việc cho trẻ ăn thêm trong độ tuổi dưới 6 tháng. Các yếu tố ảnh hưởng như việc bà mẹ phải đi làm sớm có nguy cơ không cho con bú hoàn toàn cao gấp 14 lần so với các bà mẹ không phải đi làm. Một yếu tố khác có ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đó là tư vấn của y tá, nữ hộ sinh hoặc bác sỹ.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố khác tuy không có ý nghĩa thống kê nhưng cũng có tác động đến việc không thực hiện cho bú mẹ hoàn toàn là bà mẹ có tin rằng mình có đủ sữa cho trẻ hay không, số con hiện có, tuổi bà mẹ, trình độ học vấn, trẻ trai hay trẻ gái và điều kiện kinh tế – xã hội của bà mẹ.

Phần lớn các bà mẹ không thật sự tin rằng mình có đủ sữa cho trẻ bú và không thật sự hiểu rõ ràng về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ. Mặt khác, trong gia đình, những quyết định về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn chịu ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình cũng như của cả cộng đồng.

Nếu bà mẹ được tư vấn tốt và cung cấp các thông tin phù hợp về nuôi dưỡng trẻ nhỏ thì cũng sẽ tự nguyện thay đổi từ hành vi nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ chưa đúng sang những hành vi nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ đúng đắn và tích cực hơn. Vấn đề là cán bộ tư vấn có đủ trình độ, kỹ năng và sẵn sàng thực hiện tốt công tác tư vấn hay không.

Sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em (BVBHTE) được Việt Nam hưởng ứng và phát động từ năm 1992, đến nay đã có 53 bệnh viện ở tuyến TW và tuyến tỉnh được công nhận là Bệnh viện bạn hữu trẻ em (BVBHTE).

Việc thực hiện BVBHTE đã làm thay đổi các thực hành về NCBSM: bà mẹ được tư vấn về NCBSM ngay từ khi đến khám thai, việc mẹ và con được nằm gần nhau ngay sau đẻ đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc NCBSM, trẻ được bú sớm ngay sau khi sinh và được bú theo nhu cầu.

Tuy nhiên, để duy trì BVBHTE là một vấn đề khó khăn lớn hiện nay, một số bệnh viện khi đạt được tiêu chuẩn BVBHTE (theo 10 điều kiện của UNICEF/WHO), một thời gian sau kiểm tra lại thì không còn duy trì được 10 điều kiện của BVBHTE.

Những sai phạm thường gặp là: Không tư vấn cho bà mẹ đến khám thai và bà mẹ sau đẻ về nuôi con bằng sữa mẹ; Vẫn để cho các công ty sữa quảng cáo sữa cho các bà mẹ; Bà mẹ sau đẻ nuôi cho trẻ ăn bằng chai, bú bình;

Các bà mẹ không biết cách cho con bú đúng; Lãnh đạo bệnh viện và nhân viên y tế chưa thực sự quan tâm giúp bà mẹ sau đẻ thực hiện tốt việc nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ.

Dinh dưỡng nuôi dưỡng cho trẻ nhỏ trong những điều kiện khó khăn đặc biệt như trẻ có mẹ HIV (+), trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi là những vấn đề mới song hết sức quan trọng cần có những hướng dẫn chuyên môn cụ thể.

Các nhà chuyên môn, các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, các tổ chức quốc tế, chính phủ, phi chính phủ cần có những cam kết và hành động cụ thể để mang lại cho trẻ em quyền được hưởng một chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất.

Một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng SDD trẻ em vẫn còn ở mức cao là vấn đề nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung không hợp lý; như thời gian cho ăn bổ sung sớm, chất lượng và số lượng thức ăn bổ sung không đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Ở Việt Nam, theo số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng-2002), trẻ được bắt đầu cho ăn bổ sung từ rất sớm, khoảng 50% số trẻ dưới 6 tháng phải ăn các loại thực phẩm bổ sung trong khi lẽ ra chúng được bú sữa mẹ hoàn toàn. Hiện nay, tỷ lệ trẻ ăn bổ sung sớm, bắt đầu từ 3 tháng còn cao, 30-80%, tuỳ theo từng địa phương.

Những sai lầm về thời điểm ăn bổ sung, chất lượng thức ăn bổ sung có thể dẫn tới hậu quả rõ rệt là tỷ lệ trẻ em gầy còm (có chỉ số cân nặng/chiều cao thấp) tăng nhanh sau 5-6 tháng tuổi và cao nhất vào khoảng 13-17 tháng tuổi. Vì vậy thực hiện chế độ ăn bổ sung hợp lý là rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em.

Đối với trẻ trên 24 tháng tuổi, số bữa ăn hàng ngày hầu hết phụ thuộc vào bữa cơm gia đình, do đó số bữa ăn của trẻ em hàng ngày không đạt theo yêu cầu (trung bình 3 bữa/ngày), ngay ở nhóm trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi cũng chỉ có 17,5% được ăn trên 3 bữa/ngày (con số này thấp ở tất cả các vùng, nhưng thấp nhất là vùng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ).

Do gánh nặng công việc, nhất là ở vùng nông thôn nên các bà mẹ ít có thời gian trực tiếp chăm sóc ăn uống cho con. Thức ăn bổ sung của trẻ có đậm độ năng lượng thấp, nghèo chất béo, chất đạm động vật và nghèo các vi chất dinh dưỡng, tần suất xuất hiện các thực phẩm như thịt, trứng trong bữa ăn của trẻ ở nhiều nơi chỉ đạt trên 50%, nhất là ở các vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ.

Rõ ràng là chế độ ăn cho trẻ em vẫn chưa được bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, cũng như thời điểm cho ăn bổ sung. Những vấn đề nêu trên đặt ra một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều biện pháp can thiệp, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng là một ưu tiên hàng đầu.

II. Tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ còn kém và hoạt động chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ trong thời kỳ mang thai còn nhiều bất cập

Nuôi dưỡng trẻ được tốt hơn, sức khoẻ của người mẹ cũng cần được chú trọng. Tình trạng dinh dưỡng của người mẹ có liên quan chặt chẽ tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã cho thấy rằng tình trạng thiếu năng lượng trường diễn, thiếu máu, tăng cân ít trong thời gian mang thai của bà mẹ là các yếu tố nguy cơ chính tăng tỷ lệ đẻ non, trẻ đẻ nhẹ cân (là trẻ có cân nặng khi đẻ < 2500g), tăng tử vong chu sinh và sơ sinh.

Vì vậy, có thể nói, chăm sóc dinh dưỡng cho các bà mẹ tương lai, đặc biệt là các bà mẹ đang mang thai chính là chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ.

Theo báo cáo của Tiểu ban Dinh dưỡng-Liên hiệp quốc (ACC/SCN2), SDD thấp còi xảy ra sau một giai đoạn dài (tích luỹ) chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ, trong đó các yếu tố dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ mang thai đóng vai trò quan trọng bậc nhất.

Theo số liệu giám sát dinh dưỡng năm 2003 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, vẫn có tới 35- 40% bà mẹ có thai bị thiếu máu do thiếu sắt, tỷ lệ bà mẹ có hàm lượng vitamin A trong sữa thấp vẫn còn trên 30%, trong khi tỷ lệ bà mẹ ngay sau đẻ được uống viên nang vitamin A liều cao mới chỉ đạt 61%, thấp nhất là ở khu vực Tây Nguyên, 35,9%.

Theo báo cáo gần đây nhất, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (BMI<18,5) của bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 22,9%4.

Bữa ăn của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiều nơi còn thiếu cả về số lượng và không cân đối về chất lượng. Một số vùng do ảnh hưởng của tập quán kiêng khem trong quá trình thai nghén mà người phụ nữ cũng không được hưởng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm cho thai phát triển tốt.

Người phụ nữ do gánh nặng của công việc, thường phải lao động cho đến sát ngày sinh nở. Tỷ lệ phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế thăm khám thai từ 2-3 lần trong suốt quá trình thai nghén chỉ chiếm có 47,4% và vẫn còn có đến 13,2% phụ nữ có thai không đi khám thai trong suốt quá trình thai nghén.

Số lần thăm khám thai tối thiểu theo yêu cầu không đủ cũng đồng thời nói lên bà mẹ có thai không được tiêm phòng đầy đủ, không được cấp phát viên sắt, cũng như không được cán bộ y tế tư vấn về chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng. Điều này cho thấy chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ cho phụ nữ thời kỳ mang thai vẫn còn có những vấn đề cần quan tâm hơn nữa.

Do đó, cần có các hoạt động lồng ghép có hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của người mẹ trong giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ, điều này sẽ tác động tới chất lượng nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

III. Thực hiện các chính sách pháp luật hỗ trợ về nuôi dưỡng trẻ nhỏ

Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ, khuyến khích tạo điều kiện đảm bảo quyền con người. Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng nhấn mạnh tới quyền được ưu tiên chăm sóc về dinh dưỡng tốt nhất cũng như quyền được ưu tiên chăm sóc về y tế của trẻ em.

Tháng 6 năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Mặc dù có nhiều thành tựu đáng kể trong công tác thực hiện các chính sách chăm sóc trẻ nhỏ, song công tác này vẫn còn những vấn đề bất cập, nhất là trong lĩnh vực nuôi dưỡng trẻ.

Công tác theo dõi giám sát việc thi hành các chính sách còn hạn chế. Ngày 10/6/1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 307-TTg, về việc quy định một số vấn đề về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ (SPTTSM) để hỗ trợ việc NCBSM; Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 6/12/2000 của Chính phủ qui định về kinh doanh và sử dụng các SPTTSM.

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể như việc kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ đã từng bước đi vào nề nếp, tình trạng vi phạm các qui định về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ phần nào được hạn chế nhờ sự phối hợp của các Bộ ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 74, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các qui định về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn còn khá phổ biến, năng lực hoạt động của thanh tra y tế vẫn còn hạn chế và chủ yếu mới được thực hiện tại tuyến tỉnh; việc thanh tra, kiểm tra tại tuyến quận/huyện hiện nay chưa được triển khai.

Mặt khác, các chế tài xử lý các vi phạm về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc thanh tra, xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế và thực hiện tốt hơn các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, quảng cáo, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, ngày 27/2/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành nghị định số 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Nghị định này thay cho Nghị định số 74/2000/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ quy định tạm thời các chế độ bảo hiểm xã hội và Thông tư số 34/TT-LB ngày 13 tháng 7 năm 1994 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc thi hành các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, do tổ chức công đoàn quản lý đã đề ra quy định thời gian nghỉ đẻ thai sản đối với phụ nữ chỉ là 4 tháng.

Đây cũng là một vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi trong các chính sách hiện hành cho phù hợp trong giai đoạn tới nhằm tạo điều kiện cho người phụ nữ có thời gian chăm sóc con, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Có thể nói các chính sách đã tác động tới nguyên nhân của SDD ở mọi cấp độ khác nhau từ nguyên nhân cơ bản đến nguyên nhân trực tiếp. Trong khi nhiều giải pháp chuyên môn được khuyến khích áp dụng chẳng hạn như NCBSM nhưng các chính sách hỗ trợ cho người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nhất là thực hiện bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh còn chưa cụ thể.

Các chính sách về chăm sóc trẻ em chưa đồng bộ và chưa đáp ứng về nguồn lực để có thể hỗ trợ có hiệu quả cho công tác này, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.

Nuôi dưỡng con
Nuôi dưỡng trẻ nhỏ

Khi nuôi trẻ, người mẹ có quyền được tiếp cận một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như quyền được quyết định một chế độ dinh dưỡng tối ưu cho con mình, muốn thế, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ thông tin cũng như được sống trong một môi trường có những điều kiện thuận lợi để có thể thực hiện những quyết định đúng đắn của mình.

Cần có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho người mẹ, dù là trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp hay ở các vùng nông thôn… đều có khả năng áp dụng những hiểu biết đúng đắn về dinh dưỡng của mình vào việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhỏ. Vì vậy yêu cầu hoàn thiện và thực thi các chính sách hỗ trợ cho nuôi dưỡng trẻ nhỏ đặt ra hết sức cấp bách.

IV. Chưa đáp ứng kịp thời về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt bao gồm nhóm trẻ bị SDD nặng; trẻ đẻ nhẹ cân (là trẻ có cân nặng sơ sinh thấp <2500gr); trẻ sinh ra từ những người mẹ vị thành niên, trẻ bị dị tật; trẻ nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa; trẻ bị mồ côi, đặc biệt là trẻ có HIV dương tính (+) hoặc trẻ là con của mẹ có HIV dương tính (+). Nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ nước ta đang có dấu hiệu gia tăng.

Hiện nay nữ chiếm 15% tổng số trường hợp nhiễm HIV được báo cáo (Bộ Y tế: Báo cáo tình hình nhiễm HIV/AIDS tháng 12/2004). Giám sát trọng điểm hàng năm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trong toàn quốc cũng đã tăng xấp xỉ 20 lần, từ 0,02% vào năm 1994 lên 0,35% vào năm 2004 (theo số liệu giám sát trọng điểm 1994-2004, Bộ Y tế).

Số trẻ nhỏ có HIV (+) có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây, vì vậy việc hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ trong những trường hợp này cần đặc biệt chú ý. Khó khăn hiện nay là ngoài việc thiếu cán bộ y tế để chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng, việc cập nhật những kiến thức mới về nuôi dưỡng trẻ HIV/AIDS vẫn còn rất hạn chế.

Mặt khác, do một bộ phận người dân còn hạn chế về nhận thức nên có thái độ xa lánh, thiếu quan tâm chia sẻ với người nhiễm HIV, do vậy, người bệnh còn tự ti, mặc cảm, không dám chia sẻ, điều này cũng giải thích vì sao các bà mẹ có HIV (+) đến đẻ tại bệnh viện không khai báo địa chỉ chính xác, nên việc liên hệ để giúp đỡ cho mẹ và con sau khi ra viện là rất khó khăn.

Nuôi dưỡng trẻ có HIV (+) vẫn còn nhiều bất cập, việc nuôi dưỡng để hồi phục những trẻ đã bị SDD nặng cũng đang là vấn đề cấp bách cho cộng đồng hiện nay.

Thực tế cho thấy nguyên nhân gây SDD nặng ở trẻ em hiện nay không đơn thuần là do thiếu ăn mà thường là tích hợp của nhiều nguyên nhân như trẻ mắc một số bệnh mạn tính, trẻ bị dị tật (sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ống tiêu hóa), cha mẹ li dị nhau, trẻ mồ côi…

Người mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nếu không có kiến thức về dinh dưỡng hoặc không được tư vấn, hướng dẫn kịp thời để nuôi dưỡng trẻ hợp lý sẽ làm cho trẻ bị SDD từ mức độ nhẹ, chuyển thành nặng hơn.

Điều không thể không nói đến là các tài liệu để chuyển tải các thông tin về cách nuôi trẻ trong các trường hợp khó khăn đặc biệt hầu như còn rất ít trên cộng đồng, nhất là những nơi không có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các nguồn thông tin (vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa), công tác tư vấn dinh dưỡng cụ thể cho từng đối tượng chưa được chú trọng đúng mức.

Vì vậy, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực đi đôi với phát triển hoàn thiện các tài liệu truyền thông nhằm làm tốt công tác hướng dẫn, tư vấn nuôi dưỡng trẻ trong các trường hợp này là điều rất cần thiết nhằm tiến tới giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế việc trẻ bị chuyển thành SDD nặng hơn do chưa biết cách chăm sóc dinh dưỡng hợp lý.

Nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Nuôi dưỡng trẻ nhỏ

V. Một số vấn đề tồn tại khác về nuôi dưỡng trẻ:

Đó là: thiếu hệ thống thông tin, giám sát; Sự phối hợp lồng ghép các hoạt động về nuôi dưỡng trẻ nhỏ giữa các chương trình/dự án còn yếu; Thiếu trang thiết bị, tài liệu truyền thông, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ cho công tác tư vấn, hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ nhỏ; Kỹ năng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ của cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hành động vì trẻ nhỏ
Hành động vì trẻ nhỏ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa đáp ứng kịp thời về chăm sóc, nuôi dưỡng dinh dưỡng cho trẻ em trong trường hợp khó khăn đặc biệt là thiếu mạng lưới thông tin, theo dõi giám sát một cách có hệ thống, chưa thiết lập được một cơ quan đặc trách về vấn đề nuôi dưỡng và cứu trợ trẻ em trong những vùng xảy ra thiên tai, thảm họa.

Đây là những thách thức lớn đặt ra trước mắt chúng ta, đòi hỏi có sự nỗ lực và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp để có thể xây dựng và hoàn thiện được mạng lưới thông tin, theo dõi, giám sát những trường hợp gặp khó khăn đặc biệt một cách thường xuyên, có hệ thống cũng như có những cơ quan có trách nhiệm đưa ra những quyết định kịp thời về nuôi dưỡng, cứu trợ trẻ nhỏ khi xảy ra thiên tai thảm họa.

Thực tế hiện nay cho thấy vấn đề nuôi dưỡng trẻ nhỏ được đề cập đến trong nhiều chương trình/dự án cấp quốc gia như: Dự án mục tiêu Phòng chống SDD trẻ em, Dự án Làm mẹ An toàn, Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ…nhưng sự phối hợp còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ.

Mạng lưới Y tế bao gồm cả nguồn nhân lực và trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đội ngũ cán bộ y tế rất cần được đào tạo, tập huấn về kỹ năng tư vấn dinh dưỡng cũng như được trang bị những kiến thức cập nhật về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, những điều kiện cơ sở vật chất để làm việc, nhất là tại các phòng tư vấn dinh dưỡng ở các cộng đồng khó khăn. Tài liệu truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn thiếu cả về số lượng và chưa thật sự phù hợp về mặt nội dung.

    ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN



    0913.206.810