Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Để thực hiện tốt công việc này, nhân viên công tác xã hội cần trang bị nhiều kỹ năng chuyên môn. Dưới đây là một số kỹ năng thiết yếu:
1. Kỹ năng lắng nghe:
– Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2016), “Lắng nghe có nghĩa là ngừng nói, ngừng suy nghĩ, là sự tập trung cao độ các giác quan. Con người có thể lắng nghe bằng tai, bằng trí tuệ, còn người tham vấn phải lắng nghe cả bằng trái tim.”
– Lắng nghe trong bệnh viện là kỹ năng người làm công tác xã hội sử dụng để nghe những thông tin người bệnh, người nhà người bệnh trao đổi thông qua quá trình giao tiếp (giao tiếp ngôn ngữ/ giao tiếp phi ngôn ngữ) nhằm hiểu được lời nói, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và vấn đề của người bệnh và người nhà người bệnh”
– Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: cần có sự giao tiếp phi ngôn ngữ phù hợp với Người bệnh, người nhà người bệnh (ánh mắt, nét mặt, âm giọng, tốc độ nói, tư thế ngồi, sử dụng khoảng cách không gian khi tiếp xúc…).
– Sử dụng câu trả lời tối thiểu: thể hiện bằng cái “gật đầu” nhẹ, đưa ra câu trả lời ngắn “phải”, “vâng”, “đúng vậy”, “ừ”, “tôi hiểu”, “tôi đang lắng nghe anh/chị nói”…để cho Người bệnh, người nhà người bệnh cảm nhận được rằng họ đang được lắng nghe.
– Sử dụng phản hồi: phản hồi lại những gì mà mình nghe và cảm nhận được trong quá trình giao tiếp với Người bệnh, người nhà người bệnh
– Tóm tắt: lắng nghe và tóm tắt lại những điểm chính trong câu chuyện của Người bệnh, người nhà người bệnh trong mỗi đoạn của câu chuyện mà người bệnh nói ra.
2. Kỹ năng quan sát:
– Theo tác giả Tiêu Thị Minh Hường, Lý Thị Hàm, Bùi Thị Xuân Mai, (2007), “Quan sát là khả năng quan sát các hành vi, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ… để nhận biết những diễn biến tâm lý, những suy nghĩ của đối tượng giao tiếp nhằm thu thập thông tin, so sánh chúng với những thông tin qua ngôn ngữ để khẳng định tính sát thực của thông tin và hiểu chính xác đối tượng”.
– Quan sát là khả năng người làm công tác xã hội quan sát được các hành vi, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ…của người bệnh, người nhà người bệnh để có thể nhận biết những diễn biến về tâm lý, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của họ. Từ đó, người làm công tác xã hội có thể hiểu và thu thập được những thông tin về vấn đề của người bệnh, người nhà người bệnh đang gặp phải.
– Quan sát trực tiếp: quan sát trực tiếp Người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám/điều trị tại bệnh viện thể hiện qua các biểu hiện:
+ Hành vi, dáng vẻ bên ngoài (ăn mặc, sự gọn gàng, sạch sẽ, tác phong, thái độ…)
+ Biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, nụ cười, cái nhíu mày, cử động miệng, dáng ngồi, dáng đi…)
+ Dấu hiệu của trạng thái tâm lý (sự lo lắng, bất an, căng thẳng, bối rối, lúng túng, bồn chồn, sự thờ ơ, lãnh đạm hay nhiệt tình trong giao tiếp)…
– Quan sát gián tiếp: quan sát thông qua các “dấu vết” – dữ liệu khám/ điều trị trong quá khứ: Hồ sơ bệnh án, nhật ký trị liệu tâm lý, báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ thiện nguyện,..
3. Kỹ năng đặt câu hỏi:
– Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2016), “Đặt câu hỏi là một cách thức khai thác thông tin từ người tham vấn, nhằm mục đích giúp thân chủ sáng rõ vấn đề của mình. Đặt câu hỏi trong tham vấn không chỉ khai thác những thông tin bề nổi có liên quan đến sự kiện của thân chủ, mà qua đó làm toát lên những thông tin được ẩn chứa đằng sau sự kiện đó”.
– Đặt câu hỏi là kỹ năng người làm công tác xã hội sử dụng nhiều loại câu hỏi khác nhau để thu thập thông tin cũng như xác định kế hoạch hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám và điều trị. Thông qua kỹ năng này, người làm công tác xã hội khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và những thông tin liên quan đến vấn đề của họ
– Sử dụng câu hỏi đóng: sử dụng những câu hỏi nhằm nhận về câu trả lời ngắn, thường là câu trả lời “vâng”, “có”; “không”, “đúng”, “sai”…
VD: “Anh/chị có biết về tình trạng sức khỏe của mình không?”
– Sử dụng câu hỏi mở: sử dụng những câu hỏi nhằm khuyến khích NB, NNB cung cấp tối đa thông tin (thông tin mở). Câu hỏi mở thường bắt đầu bằng các đại từ nghi vấn “như thế nào”, “điều gì”, “anh/chị có thể nói rõ hơn về…”
VD: “Khi tiếp xúc với nhân viên y tế, anh/chị cảm thấy như thế nào về thái độ của họ?
– Sử dụng câu hỏi khai thác cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của NB, NNNB:
VD: “Anh/chị có thể chia sẻ về cảm xúc của anh/chị lúc này ?”
– Sử dụng câu hỏi định hướng, tập trung chủ đề: đặt các câu hỏi nhằm định hướng cho NB, NNNB tập trung vào các thông tin trọng tâm.
VD: “Anh/chị đã chia sẻ với tôi rất nhiều về tình trạng bệnh, về những khó khăn của gia đình mà anh/chị đang gặp phải. Vậy anh/chị đang quan tâm và muốn ưu tiên giải quyết vấn đề nào ngay lúc này?”
– Sử dụng câu hỏi lựa chọn: hướng NB, NNNB đến một sự mạch lạc trong tư duy và từ đó để họ cân nhắc, so sánh những lựa chọn ưu tiên trong việc giải quyết vấn đề.
VD: “Anh/chị sẽ làm gì khi bé nhận được sự quan tâm và được hỗ trợ viện phí trong quá trình điều trị?”
4. Kỹ năng phản hồi:
– Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2016), “Phản hồi là nói lại điều thân chủ vừa nói đến, điều thân chủ cảm thấy, hoặc làm sáng tỏ điều thân chủ muốn nói đến và đạt được sự tán thành của thân chủ. Thực chất đó là sự tiếp nhận và truyền lại nhận thức, cảm xúc và hành vi của thân chủ để giúp thân chủ ý thức về những điều họ vừa trải qua.”
– Phản hồi là khả năng người làm công tác xã hội phản hồi lại người bệnh, người nhà người bệnh những thông tin, suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc của người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình giao tiếp. Người làm công tác xã hội phản hồi chính xác, không có sự phán xét về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của người bệnh, người nhà người bệnh. Điều này giúp cho người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được, thấy được những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi mà họ đã bộc lộ, thể hiện.
– Các loại phản hồi:
+ Phản hồi nội dung: Người làm công tác xã hội sẽ tóm tắt lại những nội dung thông tin đã nghe được từ người bệnh, người nhà người bệnh.
+ Phản hồi cảm xúc: Người làm công tác xã hội phản hồi lại trạng thái cảm xúc hiện tại của người bệnh, người nhà người bệnh bằng lời nói.
5. Kỹ năng thấu cảm:
– Theo Roger (1959) “Thấu cảm là hiểu biết với sự rung cảm một cách chính xác thế giới bên trong của người kia, như từ bên trong nhìn ra, cảm thấy thế giới riêng của họ như là thế giớí riêng của mình nhưng không bao giờ làm mất đi phẩm chất “như là”.
– Thấu cảm là khả năng người làm công tác xã hội có thể cảm nhận và hiểu được cảm xúc của người bệnh, người nhà người bệnh. Kỹ năng thấu cảm được coi là chìa khóa trong việc tạo lập mối quan hệ, tương tác giữa người làm công tác xã hội với người bệnh, người nhà người bệnh và chuyển cảm xúc của người bệnh, người nhà người bệnh thành ngôn ngữ
– Mức độ 1: Lời nói của NVCTXH không bày tỏ được sự thấu hiểu mà còn gây ra sự khó chịu, sự bất ổn ở NB, NNNB.
– Mức độ 2: NVCTXH nói về vấn đề của NB, NNNB mà không tập trung vào cảm xúc của NB, NNNB.
– Mức độ 3: Lời nói thấu cảm của NVCTXH giúp NB, NNB vơi đi nỗi lòng, cảm thấy có người hiểu mình.
– Mức độ 4: Sự bày tỏ của NVCTXH đạt được mức độ sâu sắc về những điều NB, NNB nói và chỉ ra những giá trị tích cực và làm cho NB, NNNB thấy mình có giá trị.
6. Kỹ năng quản lý khủng hoảng truyền thông:
– Khủng hoảng truyền thông được hiểu là những tình huống, sự việc bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn, không báo trước, đe dọa đến sự ổn định hay uy tín của đơn vị, tổ chức.
Ví dụ: “Trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc “Bệnh viện X chỉ định siêu âm thai cho cụ ông 90 tuổi” gây xôn xao dư luận.” “Trên mạng xuất hiện video về Nhân viên y tế tại BV A đòi tiền “bồi dưỡng” từ người bệnh.”
Bước 1: Tiếp nhận hoặc phát hiện các tình huống có nguy cơ gây khủng hoảng truyền thông và báo cáo cho cấp quản lý đơn vị. Tìm hiểu nguyên nhân sự việc, xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề hoặc nguy cơ.
Bước 2: Thành lập nhóm quản trị và giải quyết khủng hoảng.
Bước 3: Tập hợp nguồn dữ liệu, thông tin đầy đủ, đáng tin cậy, đúng pháp lý chứng minh cho đơn vị và làm căn cứ có thể cung cấp cho báo chí như:
Bước 4: Tiến hành giải quyết khủng hoảng
Bước 5: Theo dõi, kiểm soát nguồn thông tin, dòng sự kiện (thực hiện ngay sau cuộc gặp mặt báo chí; hoặc cuộc đối thoại với bên liên quan).
Bước 6: Kết thúc quá trình quản lý khủng hoảng truyền thông
7. Kỹ năng huy động & điều phối nguồn lực:
– Nguồn lực là một dạng vật chất hoặc dạng phi vật chất có giá trị, được sử dụng để trợ giúp cho cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng phát huy, tăng cường được năng lực vốn có hoặc đóng góp vào sự phát triển chung của cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng đó.
– Huy động và điều phối nguồn lực là việc người làm công tác xã hội thực hiện khi đã có kế hoạch can thiệp hoặc mục tiêu trợ giúp cho một hoặc nhóm người bệnh cụ thể. Hoạt động huy động và điều phối nguồn lực được thực hiện thông qua truyền thông, vận động kêu gọi tài trợ hoặc sự đóng góp của cá nhân, tổ chức xã hội có tiềm lực về tài chính (tiền), vật chất (đồ dùng, trang thiết bị…), nhân lực (tình nguyện viên/cộng tác viên/tổ chức có quyền hạn xây dựng, ban hành chính sách; có uy tín trong xã hội; có kỹ năng làm việc với nhóm yếu thế; kỹ năng tập hợp cộng đồng…) cùng tham gia.
– Bước 1: Tiếp cận người bệnh, thu thập thông tin, xác minh và tìm hiểu nhu cầu của người bệnh (xác minh hoàn cảnh của người bệnh từ nhiều nguồn khác nhau từ người thân, hàng xóm, bạn bè của người bệnh, các người bệnh khác, nhân viên y tế, cơ quan/đoàn thể/chính quyền nơi người bệnh làm việc/sinh sống, các tổ chức/cá nhân tình nguyện (nếu có)…; xác định thời điểm vận động và trợ giúp).
– Bước 2: Lập kế hoạch và vận dụng các kênh thông tin để huy động như: báo chí; trang tin điện tử của bệnh viện, của phòng công tác xã hội; hoặc thư vận động, công văn kêu gọi; người thân quen, các tổ chức cá nhân từ thiện thân thiết…
– Bước 3: Theo dõi phản hồi, tập hợp và thống kê đơn vị, tổ chức, cá nhân từ thiện (gọi chung là nhà từ thiện) nhận lời/đăng ký hỗ trợ; Hướng dẫn nhà từ thiện đăng ký (theo mẫu có sẵn của đơn vị); Tổng hợp và phân loại nguồn hỗ trợ đã vận động được.
– Bước 4: Điều phối nguồn từ thiện, tài trợ đảm bảo theo mục tiêu đề ra; điều phối đúng đối tượng cần trợ giúp.
– Bước 5: Tổng kết báo cáo, gửi thư cảm ơn và giấy chứng nhận cho các đơn vị tài trợ/nhà từ thiện. Lập và lưu hồ sơ từ thiện.
8. Kỹ năng lập kế hoạch Công tác xã hội:
– Kế hoạch là tập hợp các công việc, các hoạt động, chương trình cần triển khai theo tiến độ, theo mục tiêu, theo quy trình cụ thể để đạt được kết quả trong hoạt động chung của đơn vị/tổ chức.
– Lập kế hoạch là một quá trình xây dựng mục tiêu công việc và xác định biện pháp hữu hiệu để thực hiện được mục tiêu. Lập kế hoạch là việc làm cần thiết khi thực hành công tác xã hội trong bệnh viện nói chung hoặc là trong một tiến trình trợ giúp người bệnh
Kỹ năng lập kế hoạch gồm 5 bước như sau:
– Bước 1: Xác định hoạt động, công việc, chương trình cần triển khai:
– Bước 2: Rà soát, phân tích nguồn lực sẵn có (thuận lợi, khó khăn) cho việc thực hiện kế hoạch:
➢ Xác định nguồn lực cần huy động, phối hợp;
➢ Xác định mục tiêu,
➢ Xác định thời gian tiến hành, địa điểm thực hiện, biện pháp thực hiện và phân công trách nhiệm triển khai.
➢ Xác định tiến độ triển khai.
– Bước 3: Triển khai, giám sát thực hiện.
– Bước 4: Lượng giá kết quả.
– Bước 5: Kết thúc kế hoạch và lưu hồ sơ.
9. Kỹ năng quản lý căng thẳng:
– Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Stress là sự phản ứng thông qua thể chất, tinh thần, hoặc tình cảm của cơ thể con người với các tác nhân gây ra căng thẳng từ bên ngoài.
1. Tập thể dục đều đặn
✓ Lợi ích: Giúp ta thả lỏng cơ bắp, cảm thấy vui vẻ và giảm phản ứng căng thẳng của cơ thể, khiến ta bình tĩnh hơn
➢ Một số gợi ý:
– Đi bộ tối thiểu 700 bước mỗi ngày
– Tập yoga, tập thở sâu những lúc có thể
2. Tập tĩnh tâm
➢ Lợi ích: giúp giảm phản ứng xúc động, lo âu, trầm cảm
➢ Gợi ý:
+ Mỗi ngày tập từ 15 – 30 phút
+ Tìm một chỗ yên tĩnh, không bị làm phiền
+ Ngồi thoải mái và tập trung vào hơi thở
+ Chú ý đến những gì ra nghe thấy và cảm nhận
* Chú ý đến phần cơ thể đang căng mỏi truyền năng lượng yêu thương, xoa dịu những vùng cơ thể đang căng mỏi đó.
3. Một giấc ngủ chất lượng
❖ Lợi ích: Giấc ngủ chất lượng giúp chúng ta tránh được lo âu, căng thẳng
❖ Gợi ý: Cố gắng ngủ từ 4 – 6 tiếng mỗi ngày với giấc ngủ sâu trong thư giãn
4. Bữa ăn lành mạnh: Nguyên tắc 4 có, 4 không trong 1 bữa ăn
+ CÓ chất đạm (thịt/cá/tôm/đậu/trứng/lạc,..
+ CÓ chất bột (cơm/mì/miến/phở/bánh mì/khoai,…)
+ CÓ chất xơ (các loại rau)
+ CÓ vitamin (các loại rau có màu sắc và trái cây)
+ KHÔNG ăn thường xuyên thức ăn chế biến với nhiều dẫu mỡ
+ KHÔNG ăn thường xuyên thức ăn chế biến với nhiều hương vị
+ KHÔNG ăn thường xuyên thức ăn đóng hộp
+ KHÔNG ăn thường xuyên thức ăn với nhiều gia vị gây nóng như tỏi, ớt, tiêu,..
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
Với những kỹ năng chuyên môn được trang bị, nhân viên công tác xã hội sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người bệnh và người nhà người bệnh.
CHI TIẾT TẠI: KHÓA HỌC CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN CME (24 TIẾT) – ĐÀO TẠO QUẢN LÝ Y TẾ YCME
—————————————————–
Đăng ký khoá học:
Form đăng kí: https://forms.gle/MdBMsEZGziNAjbgX8
– Quý học viên có nhu cầu xin điền đầy đủ thông tin vào form đăng kí trên để nhận hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ.
—————————————————–
CAM KẾT
- Chứng chỉ/chứng nhận CME chính quy theo quy định Bộ Y tế
- Có chứng chỉ/chứng nhận trong vòng ~7-10 ngày sau khi kết thúc khóa đào tạo
- Giảng viên là GS. PGS.TS uy tín trong ngành tham gia trực tiếp giảng dạy
Liên hệ tư vấn và đăng ký:
Sdt/zalo/message: 086.2016.106 – 091.320.6810
Email: daotaoycme@gmail.com